Đăng nhập

Thái Bình: Xử phạt 12,5 triệu đồng đối với một hộ kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ 

Ngày 08/10/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 12,5 triệu đồng đối với một hộ kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và kinh doanh thực phẩm không đảm bảo điều kiện bảo quản trên địa bàn huyện Hưng Hà

Cụ thể, vào ngày 08/10/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường  số 1 kiểm tra đột xuất Cửa hàng sữa bỉm thuộc hộ kinh doanh P.V.C, địa chỉ tại xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình do ông P.V.C làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh bày bán mỹ phẩm là 20 hộp kem bôi da không có vỏ hộp, không có bao bì hàng hóa, trên hàng hóa không có thông tin thể hiện về nguồn gốc xuất xứ. Cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Đoàn kiểm tra đang kiểm tra hàng hoá tại cơ sở kinh doanh

Hộ kinh doanh P.V.C khai nhận hàng hóa mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ hàng hóa. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán, bảo quản sản phẩm thực phẩm là váng sữa, trên nhãn sản phẩm có ghi “ bảo quản lạnh tại 4°C- 12°C”. Trong khi đó, nhiệt kế đo độ tại cửa hàng thể hiện 28°C . Như vậy, hộ kinh doanh P.V.C đang bảo quản sản phẩm thực phẩm ( váng sữa) không phù hợp với điều kiện bảo quản ghi trên nhãn của sản phẩm đó.

Đoàn kiểm tra đang kiểm tra hàng hoá tại cơ sở kinh doanh

Đoàn kiểm tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh P.V.C về các hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và Bảo quản sản phẩm thực phẩm không phù hợp với điều kiện bảo quản ghi trên nhãn của sản phẩm đó.

Cùng ngày Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh P.V.C số tiền 12,5 triệu đồng. Ngày 09/10/2024 Hộ kinh doanh P.V.C đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định dưới sự giám sát của Đội Quản lý thị trường số 1./.

Lào Cai: Bắt nữ quái cầm đầu đường dây buôn bán ma túy

Ngày 26/9, thông tin từ Công an TP Lào Cai, đơn vị này vừa triệt phá thành công chuyên án ma tuý, bắt giữ Hoàng Thị Tính (39 tuổi, trú TP Lào Cai) cùng 4 người liên quan, thu giữ lượng lớn ma tuý hồng phiến.

Ngày 20/9/2024, cảnh sát phát hiện, bắt quả tang Tính cùng Nguyễn Bùi Việt Anh (SN 2001, ở Lào Cai) về hành vi "Mua bán trái phép chất ma tuý". Tang vật thu giữ gồm 47 viên ma tuý hồng phiến có khối lượng 4,706 gam.

Hoàng Thị Tính tại cơ quan công an. 

Cùng ngày, Lê Tuấn Ngọc (SN 1991, ở Lào Cai) cũng bị cảnh sát bắt quả tang về hành vi "Tàng trữ trái phép chất ma tuý"

Tại cơ quan công an, Ngọc khai góp 2,6 triệu đồng cùng Nguyễn Thị An để mua ma tuý của Nguyễn Bùi Việt Anh. Số ma tuý trên được Tính giao cho Việt Anh vận chuyển giao cho khách hàng. Một ngày sau, Công an TP Lào Cai thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Việt Anh và Tính.

Tang vật vụ án.

Quá trình khám xét, cảnh sát thu giữ 494 viên ma túy hồng phiến và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật. Mở rộng điều tra, cảnh sát triệu tập, khám xét chỗ ở của Lê Tiến Đạt (29 tuổi, ở Lào Cai) thu giữ 2 viên ma túy hồng phiến. Đạt khai số ma túy này là Tính đưa cho.

Hiện, Công an TP Lào Cai đang điều tra, xác minh mở rộng vụ án.

Bình Thuận : Thu giữ gần 1,4 tấn thịt gà, mỡ heo không rõ nguồn gốc

Ngày 13/9/2024, thông tin từ Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết. Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 1,4 tấn thịt gà và mỡ heo không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện cơ sở kinh doanh do Đoàn Văn Phúc (SN 1998, trú phường Phú Tài, Tp.Phan Thiết) làm chủ, đang chứa khoảng 920kg thịt gà các loại và 460kg mỡ heo không có nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng.

920kg thịt gà các loại và 460kg mỡ heo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Qua làm việc, chủ cơ sở trên không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến lô hàng trên. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng vi phạm để tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Phát hiện và tịch thu hàng trăm quả bí ngô nhập lậu

Ngày 27/8/2024, Lực lượng chức năng quận Tây Hồ cho biết, vừa phát hiện và tịch thu 25 thùng bí ngô nhập lậu tại một cơ sở kinh doanh trái cây ở phường Tứ Liên, Hà Nội. Toàn bộ số hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đã bị tiêu hủy theo quy định.

Cụ thể, ngày 22/8/2024, Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Tây Hồ, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9 thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, đã tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh trái cây nhập khẩu tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đại diện của cơ sở này là ông L.V.Đ, sinh năm 2003, có hộ khẩu thường trú tại xã Cổ Bì, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Lực lượng chức năng Hà Nội đang kiểm tra hàng hóa nhập lậu, tại quận Tây Hồ, Hà Nội

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 25 thùng quả bí ngô mini, mỗi thùng chứa 5 quả. Tất cả các thùng đều có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Đây được xác định là hàng hóa nhập lậu, không tuân thủ quy định về nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trên thị trường Việt Nam.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm và tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng đã nhanh chóng lập biên bản tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm. Sau đó, các quả bí ngô nhập lậu này đã được tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tiến hành xử lý hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu đối với chủ cơ sở kinh doanh.

Lạng Sơn: Xử phạt 2 cơ sở kinh doanh vi phạm về thương mại điện tử

Ngày 14/8, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn đã công bố quyết định xử phạt hành chính đối với hai cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành kiểm tra và phát hiện các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử của hai đơn vị này.

Hộ kinh doanh L.V.H, tọa lạc tại số 335 đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, đã bị phạt 12,5 triệu đồng. Nguyên nhân là do hộ kinh doanh này đã sử dụng website https://liningsale.com/ để bán hàng nhưng không tiến hành thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH xuất nhập khẩu A.P.S cũng phải đối mặt với hình thức xử phạt tương tự. Cụ thể, công ty này đã bị phạt 15 triệu đồng do sử dụng biểu tượng đã thông báo trên website thương mại điện tử https://anphuson.com/ mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở.

Qua vụ việc này, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thông báo, đăng ký để đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình được diễn ra minh bạch và đúng quy định.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Thừa Thiên-Huế: Bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy

Ngày 2/8, thông tin từ Công an thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế), đơn vị vừa bắt giữ một đối tượng vì hành vi Vận chuyển trái phép chất ma túy xảy ra trên địa bàn.

Danh tính của đối tượng là Đoàn Thanh Lưu (SN 1983, trú tại thị xã Hương Trà.

Trước đó, vào 20h50 ngày 22/7, trong lúc đang tuần tra kiểm soát trên đoạn Quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tổ tuần tra giao thông phối hợp giữa Công an thị xã Hương Trà và Công an Tp.Huế phát hiện đối tượng Đoàn Thanh Lưu đang điều khiển xe mô-tô đi trên đường có dấu hiệu vi phạm giao thông nên đã yêu cầu dừng xe kiểm tra hành chính.

Đối tượng Lưu cùng tang vật thời điểm bắt giữ.

Qua kiểm tra, nghi vấn Lưu có dấu hiệu vận chuyển trái phép chất ma túy nên tổ tuần tra đã đưa đối tượng về trụ sở Công an phường Tứ Hạ xác minh, làm rõ.

Tại đây, lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra, phát hiện trên người Lưu và trên phương tiện mô tô do đối tượng điều khiển đang vận chuyển trái phép hơn 109g ma túy dạng Ketamin và 110 viên nén ma túy có trọng lượng hơn 60g được giấu tinh vi trong các túi ni-lông giống gói trà.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Hương Trà đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.

Hà Nội: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 18kg ma túy tổng hợp

Ngày 7/7, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án hình sự và tạm giam Tạ Công Quảng (SN 1998, trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) về hành vi "Mua bán trái phép chất ma túy".

Quảng bị bắt giữ vào ngày 6/6 khi đang vận chuyển 18kg ma túy tổng hợp các loại để mang đi bán trái phép kiếm lời.

Đối tượng Tạ Công Quảng cùng tang vật.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Quảng quen biết với một đối tượng tên "Bun Bun" qua mạng xã hội Telegram. "Bun Bun" rao bán ma túy và Quảng đồng ý mua với giá thỏa thuận.

Sau khi thống nhất các phương thức, thủ đoạn hoạt động, Quảng tìm thuê phòng tại ngõ 183/38 Hoàng Văn Thái, Khương Trung để cất giấu ma túy. "Bun Bun" hướng dẫn Quảng mua các vật dụng để ngụy trang ma túy như lọ nhựa, tem nhãn, túi giấy, hộp bìa giấy, túi nilon, máy ép nhiệt.

Tang vật ma túy công an thu giữ.

Ngày 1/6, Quảng nhận ma túy từ "Bun Bun" và mang về phòng trọ cất giấu. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau, Quảng bị Công an quận Tây Hồ bắt giữ khi đang mang ma túy đi tiêu thụ.

Cơ quan chức năng thu giữ tổng số tang vật gồm: 94 túi nilon chứa các viên nén màu xám, chất bột màu trắng và tinh thể màu trắng (trọng lượng trên 18kg), 3 chiếc cân điện tử, 1 máy ép nhiệt, 10 hộp nhựa màu trắng, 50 tem nhãn có in chữ “bột rau má đậu xanh cốt dừa Organic 37", cùng nhiều tài liệu liên quan đến vụ án

Hiện Công an quận Tây Hồ đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Long An tạm giữ 2.000 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 21/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Long An) phối hợp với Công an xã Đức Hòa Hạ - Công an huyện Đức Hòa đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh livestream bán hàng trực tuyến trên địa bàn huyện Đức Hòa, tạm giữ 2.000 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Qua công tác giám sát địa bàn và trên nền tảng thương mại điện tử, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Công an xã Đức Hòa Hạ kiểm tra cơ sở kinh doanh livestream bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội Facebook, Tiktok.

Kho hàng hóa tại điểm livestream bán hàng trực tuyến

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.000 sản phẩm áo may sẵn chưa qua sử dụng tại cơ sở không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Người đại diện pháp luật của cơ sở kinh doanh không xuất trình được hợp đồng mua bán, tờ khai hải quan hay giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa theo quy định.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ và niêm phong toàn bộ số lượng sản phẩm quần áo vi phạm để xử lý theo quy định.

Số hàng hóa tại cơ sở livestream bán hàng trực tuyến

Hiện vụ việc đang được Đội QLTT số 1 phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ việc trên là lời cảnh báo cho các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh Long An. Đội QLTT số 1 khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua hàng hóa tại các cơ sở uy tín, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ để đảm bảo quyền lợi của bản thân.

Hà Giang: Phát hiện hơn 50.000 sản phẩm dầu gội, bột giặt, nước xả vải giả mạo nhãn hiệu

Ngày 6/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 9 (QLTT số 9) thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện số lượng lớn sản phẩm dầu gội, bột giặt, nước xả vải có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tại một cơ sở kinh doanh ở xã Giàng Chu Phì, huyện Mèo Vạc.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 9 phát hiện cửa hàng có bày bán 51.156 sản phẩm gồm bột giặt, dầu gội đầu, nước xả vải mang các nhãn hiệu nổi tiếng như OMO, Sunsilk, Clear, Dove, Lifebuoy, Comfort. Tuy nhiên, qua quan sát, lực lượng chức năng nhận thấy đây có dấu hiệu là hàng giả mạo các sản phẩm cùng loại đang được bảo hộ tại Việt Nam của Công ty TNHH Quốc Tế Unilever Việt Nam.

Chủ cơ sở kinh doanh không thể xuất trình được hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp cho lô hàng sản phẩm này.

Đội QLTT số 9 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nghi vấn giả mạo trên và phối hợp cùng Công ty TNHH Quốc Tế Unilever Việt Nam để xác minh, làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Hơn 50.000 sản phẩm với dấu hiệu hàng hóa giả mạo phát hiện tại cơ sở

Đây là vụ việc vi phạm về sản phẩm giả mạo nhãn hiệu được ghi nhận trong thời gian gần đây tại Hà Giang. Việc mua bán, sử dụng sản phẩm giả mạo nhãn hiệu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự an toàn thị trường.

Phát hiện và tạm giữ 2,4 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại Vĩnh Phúc

Ngày 08/5, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Đội QLTT số 2 và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Phùng Văn Hoạch, tại địa điểm kinh doanh Tổ dân phố Tân Thịnh, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ sở đang bày bán hàng hóa gồm 2,4 tấn đường tinh luyện nhập lậu, được sản xuất tại Thái Lan, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và thiếu hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Theo lời trình bày của chủ cơ sở, số hàng hóa trên là đường tinh luyện nhập lậu từ Thái Lan, được mua trôi nổi trên thị trường và không có hóa đơn chứng từ đi kèm.

Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.